Đăng Ký Học
Ngày 27/12/2024 17:11:14, lượt xem: 24
Đề bài: Môi trường ô nhiễm – Vấn đề cấp bách hiện nay ở Việt Nam đặc biệt là thành phố Hà Nội
Tóm tắt: Trong báo cáo nghiên cứu này tôi đã sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu, quan sát, phỏng vấn để đánh giá một cách tổng quan nhất khi đứng trước tình trạng môi trường bị ô nhiễm, suy thoái hiện nay. Với đề tài: “Ô nhiễm, suy thoái môi trường” để thấy được những hậu quả mà con người đã gây ra cho môi trường. Và nếu không ngăn chặn kịp thời, sẽ gây ra những hậu quả mà cả nhân loại không thể tưởng tượng được.
Từ khóa: môi trường, ô nhiễm, sinh thái, cấp bách.
1. MỞ ĐẦU
1.1. Lí do chọn đề tài
Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, ô nhiễm môi trường đang là một vấn đề cấp thiết đối với toàn thế giới, không chỉ với những quốc gia khó khăn, đang phát triển mà còn đối với những nước đã phát triển. Ô nhiễm môi trường gây ra biến đổi khí hậu nghiêm trọng, làm tăng nhiệt độ toàn cầu và hiện tượng băng tan ở các cực, suy giảm hệ sinh thái tự nhiên, gây ra sự tuyệt chủng của nhiều loại động vật và dẫn đến nhiều tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người. Ở Việt Nam, đặc biệt là thành phố Hà Nội, khi việc phát triển kinh tế không đi đôi với bảo vệ môi trường, nó đã dẫn đến nhiều hệ lụy và tác hại khôn lường đối với mọi mặt của đời sống, nếu không có những biện pháp kịp thời thì việc phát triển kinh tế sẽ không thể bù đắp nổi thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra. Hà Nội là thành phố phát triển bậc nhất ở đất nước ta, mức độ dân số cao nhất cả nước dẫn đến ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề nóng ở thành phố này. Trên các phương tiện thông tin đại chúng hằng ngày, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh, những thông tin về việc môi trường bị ô nhiễm. Bất chấp những lời kêu gọi bảo vệ môi trường, tình trạng ô nhiễm càng lúc càng trở nên trầm trọng. Trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta với gần 8 tỷ người đang sinh sống, đang phải oằn mình gánh chịu những hậu quả nặng nề gắn với thực trạng hành tinh xanh đang kêu cứu, do tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gay gắt. Chính vì thế việc nghiên cứu những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường hiện nay là rất quan trọng và nhận được sự quan tâm của đa số mọi người.
1.2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.
- Đối tượng nghiên cứu: Môi trường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Phạm vi nghiên cứu: Bài báo cáo tiến hành nghiên cứu trên 12 quận nội thành của thành phố Hà Nội. Đề tài chủ yếu tiếp cận đi sâu nghiên cứu một số vấn đề lý luận, thực tiễn về ô nhiễm môi trường đô thị tại Hà Nội. Sau đó khảo sát thực trạng, nguyên nhân, tác hại và bước đầu đề xuất một số biện pháp tác động.
1.3. Nhiệm vụ nghiên cứu.
- Đề xuất phương pháp nghiên cứu tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị trên
địa bàn thành phố Hà Nội.
- Phân tích thực trạng, đưa ra nguyên nhân, tác hại của tình trạng ô nhiễm môi
trường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Đề xuất một số biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
- Đưa ra hàm ý, khuyến nghị cho người dân Hà Nội, các cấp chính quyền để
giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
1.4. Phương pháp nghiên cứu.
- Phương pháp tổng hợp, phân tích, xử lý số liệu, đánh giá, so sánh thực trạng trên.
ĐỌC THÊM: VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC | PHÂN TÍCH TÁC PHẨM "ĐỘC TIỂU THANH KÍ"
2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
2.1. Cơ sở lí thuyết của đề tài.
Môi trường là tổ hợp bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo có quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên. (Theo Điều 1, Luật Bảo vệ Môi trường của Việt Nam).
Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi bất lợi của môi trường sống về các tính chất vật lý, hóa học, sinh học của không khí, đất và nước, có thể gây tác hại trước mắt hoặc sau này cho môi trường, sức khoẻ con người, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, tài sản văn hóa, làm thất thoát và huỷ hoại tài nguyên dự trữ.
2.2. Kết quả nghiên cứu và đề xuất
2.2.1. Thực trạng ô nhiễm môi trường tại Hà Nội.
Môi trường Hà Nội đang bị suy giảm nghiêm trọng, bao gồm các khu đô thị, từ các doanh nghiệp sản xuất bán buôn bán lẻ đến các dịch vụ của các khu công nghiệp vừa và nhỏ. Ô nhiễm môi trường đã làm ảnh hưởng rất lớn tới cảnh quan Hà Nội và cuộc sống của người dân nơi đó. Chính vì thế, cần có cái nhìn tổng quan về thực trạng ô nhiễm tại Hà Nội.
2.2.2. Ô nhiễm môi trường nước
Theo Sở Tài Nguyên và Môi Trường Hà Nội, lượng nước thải ra trung bình vào khoảng 310000 mét khối/ngày trong đó có 1/3 là của công nghiệp. Chất lượng nước dưới đất cũng đang có biểu hiện suy thoái, một số vùng có dấu hiệu ô nhiễm với các mức độ khác nhau.Việc xử lý hệ thống thoát nước, nước mưa còn yếu kém so với tốc độ phát triển của công nghiệp hóa, đô thị hóa. Hiện tượng ngập úng xảy ra thường xuyên mặc dù có các hệ thống sông ngòi, kênh, rạch đảm trợ. Một số địa điểm như quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàng Mai… từ một nơi ít bị ô nhiễm nay trở nên ô nhiễm nặng. Gần 100% nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý thải ra sông ngòi. Trên thực tế, đã có những con sông ở Hà Nội đã trở thành dòng sông chết do bị ô nhiễm quá nghiêm trọng, như sông Tô Lịch,… ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của những người dân khu vực đó.
2.2.3. Ô nhiễm môi trường không khí
Trong giai đoạn từ 2011-2015, theo số liệu ghi nhận được, số ngày Hà Nội có chỉ số chất lượng không khí kém chiếm đến 40-60% tổng số ngày quan trắc và có những ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng xấu. Cho đến nay, Hà Nội vẫn luôn trong top những thành phố có độ ô nhiễm môi trường không khí cao nhất thế giới. Chất lượng không khí của Hà Nội “không có dấu hiệu được cải thiện”. Yếu tố gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội chủ yếu do ô nhiễm bụi, nồng độ bụi lơ lửng trong không trung, tổng số TSP, bụi PM10 và bụi mịn (PM2,5 PM1).
2.2.4. Ô nhiễm môi trường đất.
Tại Hà Nội, hiện nay vấn đề ô nhiễm môi trường đất chủ yếu là do hàm lượng kim loại nặng cao nguyên nhân đến từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, nghiêm trọng là ở một số khu công nghiệp đô thị Khu công nghiệp An Khánh, Khu đô thị Nam Thăng Long,...Khu vực đô thị ở Hà Nội có chất lượng đất bị ô nhiễm nặng và ngày càng gia tăng. Ô nhiễm môi trường đất chủ yếu là từ chất thải rắn ra ngoài môi trường. Trung bình tổng lượng chất thải rắn ở Hà Nội khoảng 7000 tấn sinh hoạt mỗi ngày. Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, rác thực phẩm chiếm tới 51,9%; rác thải từ các chất như cao su, da, gỗ… chiếm khoảng 38% và lượng thải rắn dưới 7,1%.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chất thải rắn công nghiệp thải ra thành phố Hà Nội khoảng 863,2 tấn/ngày đêm, trong đó có rác nguy hại là 217,2 tấn/ngày đêm. Do ở thành phố Hà Nội chỉ có ba khu vực xử lý rác thải đang hoạt động, tuy nhiên việc xử lý bị dồn và phụ thuộc quá nhiều vào một khu vực dẫn đến tình trạng rác thải bị ùn tắc.
Ô nhiễm môi trường không khí đang là một vấn đề bức xúc đối với môi trường đô thị, công nghiệp và các làng nghề ở nước ta hiện nay. Ô nhiễm môi trường không khí có tác động xấu đối với sức khỏe con người (đặc biệt là gây ra các bệnh đường hô hấp), ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, gây nên sự biến đổi khí hậu (hiệu ứng “nhà kính”, mưa axit và suy giảm tầng ôzôn.
2.3. Đề xuất một số giải pháp
Sau đây là một số biện pháp giúp cải tạo cũng như hạn chế ảnh hưởng xấu đối với môi trường hiện nay:
- Truyền thông nâng cao nhận thức và xây dựng văn hóa, đạo đức môi trường cho mọi người dân đô thị, đặc biệt là đối với những người lái xe ô tô, xe máy và chủ các sở sản xuất. Chỉ bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng có thể tái tạo lại một cách hiệu quả, chúng ta mới có thể biến mình thành những người bảo vệ môi trường tốt nhất.
- Phát triển công nghiệp xanh ở xung quanh thành phố bằng việc trồng nhiều cây xanh.
- Giảm lượng xe cá nhân chạy ở khu vực trung tâm thành phố. Phát triển giao thông công cộng, giao thông đi bộ và đi xe đạp trong thành phố. Cải tạo, nâng cấp giao thông đô thị trở thành giao thông đô thị xanh.
- Hạn chế khí thải, nước thải ô nhiễm.
- Giảm thiểu dân số, Việt Nam hiện nay khoảng trên 86 triệu người đang có chiều hướng tăng cao không lường trước. Theo các chuyên gia, dân số đông ảnh hưởng rất xấu đến môi trường sống cũng như sinh hoạt cộng đồng.
ĐỌC THÊM: VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI | Ý NGHĨA CỦA SỰ TRẢI NGHIỆM TRONG CUỘC SỐNG
3. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
Với nhận thức ô nhiễm môi trường ở nước ta đã trở nên rất cấp bách và đòi hỏi có chiến lược tổng thể để cải thiện tình hình. Báo cáo đã kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất đưa công tác xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước vào chương trình xây dựng luật của quốc hội khóa 14, nghiên cứu và xây dựng Luật ngay từ năm 2018 và nghiên cứu xây dựng các chính sách cũng như cải thiện các công cụ về kiểm soát ô nhiễm nước nhằm từng bước đẩy lùi ô nhiễm nước và khôi phục nguồn nước sạch Việt Nam.
Theo các chuyên gia và nhiều nước quan niệm cho rằng: “Phát triển xanh” là hình thức phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, tiêu hao ít tài nguyên và không gây hại đến môi trường sinh thái. Có thể nói ngắn gọn: “Phát triển xanh” chính là sản xuất xanh và tiêu dùng xanh, sản xuất và tiêu dùng thân thiện với môi trường cũng như đem lại hiệu suất, hiệu quả cao. Chỉ tiêu tổng hợp nhất là GDP xanh được dùng để phản ánh sự phát triển xanh. Cho đến nay, quan điểm chung cho rằng: “Kinh tế xanh” hay “tăng trưởng xanh” là hình thức phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, tiêu hao ít tài nguyên và không gây hại đối với môi trường sinh thái, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế tri thức. Như vậy, phát triển xanh là phát triển dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, kinh tế tri thức với nền tảng dân trí giáo dục cao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thùy (2022). Ô nhiễm môi trường ở Hà Nội: thực trạng và giải pháp. Tạp chí cộng sản số tháng 9 - 2022.
2. Bùi Thị Phương Anh, Đỗ Diệp Anh, Nguyễn Lan Anh (2021). Nghiên cứu thực trạng ô nhiễm môi trường đô thị và một số giải pháp bảo vệ môi trường ở Hà Nội. Đại học quốc gia Hà Nội
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
- Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học TOÀN DIỆN LỚP 11 - 2K8
- Khóa học KĨ NĂNG VIẾT VĂN NGHỊ LUẬN CHUYÊN SÂU
Tin liên quan